Du Học Nhật Bản Chữ Kanji Tin liên quan

Tin liên quan

Ngày tết ở Nhật Bản như thế nào?

Không giống như các nước láng giềng khác ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam…, Nhật Bản tổ chức đón năm mới theo Dương lịch. Người Nhật gọi dịp này là “Oshogatsu”, và đây là sự kiện để nghênh đón vị thần Toshigamisama...
Người Nhật bắt đầu chuyển sang ăn Tết Dương lịch theo phương Tây từ năm Minh Trị thứ 6, tức năm 1873. Phong tục đón năm mới của người Nhật hiện vẫn giữ được những truyền thống Á Đông điển hình, bên cạnh đó cũng thu nhận những nét văn hóa mới từ phương Tây qua quá trình giao lưu, tương tác theo dòng chảy của thời gian.
Oshogatsu vốn là tên gọi riêng tháng giêng nhưng hiện nay thường dùng để chỉ khoảng thời gian từ mồng 1-3 của tháng đầu tiên trong năm. Người Nhật bắt đầu chuẩn bị cho Oshogatsu từ ngày 8-12 (ở vùng Kanto là ngày 13).
Người Nhật có tập quán trang trí cây thông (Kadomatsu) trước cửa nhà, trước cửa hàng hay trước cổng công ty. Họ quan niệm cây thông này là nơi đón Toshigamisama - vị thần linh đem lại sự thịnh vượng, may mắn và trường thọ. Ngoài vật tiêu biểu là cây thông thì người Nhật còn dùng các loại thừng bện bằng cỏ, dải giấy trắng... tượng trưng nhiều mong ước, nhiều ý niệm khác nhau cho một năm mới tốt lành.
Đêm 30 tết là thời gian gia đình sum họp, cùng nhau ăn tất niên và chờ đón khoảnh khắc giao thừa. Trái với người châu Âu và người Mỹ thường đón Giáng sinh cùng gia đình còn khi giao thừa thì ra những địa điểm công cộng để chào mừng năm mới, người Nhật lại thường đi chơi Giáng sinh với người yêu, bạn bè và quây quần đón năm mới bên gia đình.
Vào đúng 0g đêm giao thừa, khắp các chùa trên đất nước Nhật Bản sẽ đánh 108 hồi chuông với ý nghĩa xua đuổi 108 con quỷ sứ. Tiếng chuông cũng là âm thanh được coi là bậc nhất trong năm âm thanh của Phật pháp.
Thời khắc giao thừa, trong tiếng chuông ngân vang, sau khi nói lời chúc mừng năm mới tới mọi người xung quanh, tất cả sẽ quây quần bên nhau cùng thưởng thức rượu sake và các món ăn truyền thống vào dịp Oshogatsu.
Trên bàn ăn ở các gia đình Nhật Bản những ngày này thường không thể thiếu các loại bánh làm từ gạo (tiếng Nhật gọi là Omochi), các món ăn chế biến từ cá và hải sản… Các đồ ăn được từ gạo sẽ là nguồn gốc giúp con người thành đạt.
Là một quần đảo trên Thái Bình Dương, Nhật Bản có nền ngư nghiệp rất phát triển và đất nước này cũng rất nổi tiếng về các món ăn được chế biến tinh tế từ cá và hải sản. Người dân Nhật cũng quan niệm ăn cá giúp trí não con người trở nên thông minh.
Cũng giống nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam… người Nhật thường đi lễ chùa cầu may mắn, tốt lành cho năm mới. Phong tục này trong tiếng Nhật gọi là Hatsumode. Người ta sẽ tới ngôi chùa nằm ở hướng được cho là hướng tốt của năm đó.
Trước khi đi lễ phải rửa tay và súc miệng sạch sẽ. Tiền hương hoa dâng Phật là những đồng tiền họ tung vào hòm công đức đặt trước điện thờ. Người làm lễ sẽ chắp tay lạy hai lễ, vỗ tay hai lần, rồi chắp tay cầu nguyện và cuối cùng lạy một lễ. Người Nhật thường bỏ tiền ra để rút quẻ hoặc mua một mũi tên thần nhằm cầu mong được thần Phật phù hộ độ trì một năm mới bình an, phát đạt.
Trong các ngày mồng một, hai và ba, người Nhật thực hiện các cuộc thăm viếng đầu xuân. Họ tới chúc tết các cấp trên ở công ty mình, chúc tết họ hàng, người thân, bạn bè cũng như hàng xóm láng giềng. Thông thường mỗi nhà sẽ để một cuốn sổ kèm bút trước cổng để khách đến chúc tết ghi lại tên hoặc lưu danh thiếp lại thông báo đã tới thăm nhà. Hoặc có nhiều người khách sẽ mang theo nhiều khăn tay nhỏ đề tên mình để tặng chủ nhà làm kỷ niệm.
Oshogatsu là khoảng thời gian yêu thích của trẻ con Nhật Bản vì các em sẽ được nhận tiền mừng tuổi. Tiền mừng tuổi trong tiếng Nhật là “Otoshidama”, từ này xuất phát từ ý nghĩa chỉ sức mạnh của vị thần Toshigamisama.
Trong dịp này trẻ em thường chơi các trò như đánh cầu, thả diều… Nếu đọc bộ truyện tranh Đôrêmon nổi tiếng, bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhóm bạn nhỏ Nôbita, Xuka, Chaien, Xêkô, Đêkhi… chơi những trò này trong các mẩu chuyện về ngày tết. Tuy nhiên, hiện nay trẻ em Nhật không mấy khi chơi đánh cầu, thả diều… vốn là những trò chơi truyền thống mang niềm tự hào của nước Nhật vào dịp Oshogatsu nữa.
Một trong những nét đặc sắc của phong tục đón tết của người Nhật là tập quán gửi thiếp chúc mừng năm mới. Tập quán này tương đối giống các nước Âu - Mỹ song thực tế khởi nguồn từ Trung Quốc và được du nhập vào Nhật Bản. Vào cuối năm, người Nhật Bản thường chuẩn bị các tấm thiệp ghi lời cảm ơn và lời chúc trang trọng nhất nhân dịp năm mới tới những người quen biết. Phong tục này thể hiện rất rõ truyền thống văn hóa “cảm ơn” của người Nhật. Mỗi tấm bưu thiếp dù nhỏ bé khi được gửi đi đều mang trong đó lòng cảm tạ sâu sắc những gì người khác đã làm cho mình. Bưu thiếp sẽ được chuyển tới tay người nhận vào đúng ngày mồng một. Điều đặc biệt nữa là, đối với những ai có người thân vừa qua đời trong năm thì sẽ không gửi hay nhận thiếp năm mới từ bất kỳ ai để họ có thể tĩnh tâm tưởng nhớ và cầu nguyện cho người đã khuất.
Tuy nhiên, từ cuối những năm 1990 thì việc gửi lời chúc mừng năm mới qua điện thoại, e-mail thay vì gửi bưu thiếp trở nên phổ biến hơn. Và khi gặp ai đó dịp đầu năm mới, người Nhật Bản cũng thường nói câu “Happy New Year” hơn là sử dụng câu chúc mừng năm mới truyền thống bằng tiếng Nhật
Oshogatsu là một trong những dịp lễ hội tồn tại lâu đời nhất ở Nhật Bản. Hiện nay, không khí Oshogatsu ở Nhật Bản không còn đầy đủ vẻ bình lặng mà mỗi người đều có thể trải qua những khoảng thời gian thư thả vui chơi cùng người thân, gia đình như ngày xưa. Các cửa hàng kinh doanh mở cửa từ ngày mồng một, và mở tivi khiến không khí đường phố trở nên ồn ào.



Công Ty Hiền Quang chuyên Du Học Nhật Bản

Các mùa trong năm của Nhật Bản

Hiển nhiên các mùa ở Nhật rất lạ, giống như tính khí người con gái. Có lúc êm dịu, nhẹ nhàng, có lúc hung bạo, khắc nghiệt nhưng lúc nào cũng muốn mình thật rực rỡ, tươi mới. Điều đó khiến cho biết bao người muốn khám phá chiêm ngưỡng…

Mùa xuân - Cái đẹp vô thường
Dự báo thời tiết ở Nhật có một điểm rất thú vị mà không quốc gia thứ hai nào trên thế giới giống như vậy. Dự báo thời tiết về tình hình hoa anh đào nở. Người Nhật say mê hoa anh đào đến nỗi họ nhận rằng: “Nếu là hoa, xin làm hoa anh đào. Nếu là người, xin làm một võ sĩ đạo - A flower is a cherry blossom, a person is a Samurai".
Những cánh hoa đào (Sakura) sẽ rụng rơi khi còn đương độ tươi thắm. Năm cánh hoa sắc hồng mỏng manh bay theo làn gió trông như những bông hoa tuyết đang bay. Người võ sĩ đạo tự ví cuộc đời mình như hoa anh đào, đẹp tựa như hoa khi nở và tắt lụi đúng ở đỉnh cao rực rỡ của nó. Biết chết một cách cao đẹp chính là cái đẹp cao cả nhất. Trong khí trời mùa xuân, những cánh hoa rơi như rải thảm đầy những lối đi. Trong cơn mưa mùa xuân, khúc hát về vẻ đẹp phù du như trỗi lên, những gì đẹp đẽ thường ngắn ngủi và sự tàn phai giữa độ tươi thắm cũng là cái đẹp. Chính vì lẽ đó mà hoa đào được tôn vinh là quốc hoa ở Nhật. Nó biểu trưng trọn vẹn cho triết lý sống chết của người Nhật, biểu trưng cho vẻ đẹp thanh cao và là nỗi buồn về sự vô thường.
Tình cảm của người Nhật dành cho hoa đào là vô bờ bến. Ở công viên, trường học, ao hồ... hoa đào đều hiện hữu. Khi xuân đến, trời ấm dần lên, cả một màu hồng phấn ôm trọn núi đồi, phố phường, tầng tầng lớp lớp cây nọ nối cây kia tạo nên một bức tranh tuyệt tác. Dưới bóng hoa đào, người ta tụ tập ngắm hoa, làm thơ, ca hát nhảy múa.  
Dưới ánh đèn lấp lánh vào ban đêm, hoa anh đào mang vẻ đẹp  khác hẳn. Ánh đèn sẽ được chiếu sáng từ những tán hoa anh đào, khác với ban ngày, không gian trở nên huyền hoặc hơn, lãng mạn hơn. Có rất nhiều loại hoa anh đào khác nhau, từ loại hoa mọc dại trên núi cho đến những loại được lai tạo kỳ công để phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của con người như: Someiyoshino, Kasumizakura, Edohiga, Oshimazakura, Oyamazakura, Yamazakura với đủ màu sắc: trắng, hồng nhạt, đỏ… Loại Someiyoshino được trồng nhiều nhất, sinh trưởng nhanh, chỉ khoảng 10 năm đã trở thành 1 cây lớn và cho hoa nở nhanh hơn loại khác. Từ thời Meiji loại này đã được trồng phổ biến trên khắp nước Nhật. Hoa lại nở trước rồi mới mọc lá, cánh hoa cũng to hơn so với các loại khác có vẻ đẹp quý phái.
Thời gian Mankai (nở rộ) của những loại này cũng khác nhau. Tùy theo từng chủng loại hoa và điều kiện môi trường thời tiết mà tuổi thọ của hoa anh đào cũng khác nhau. Loài hoa Someiyoshino có tuổi thọ 7 ngày kể từ ngày Mankai. Loài hoa Kanzakura thì được lâu hơn chừng 10~12 ngày kể từ ngày Mankai.
Theo “Cổ sự ký” Sakura là cách gọi lái từ Sakuya - là tên trích trong tên của Nữ thần Konohana. Nữ thần này chính là người đầu tiên gieo hạt giống cây hoa anh đào trên núi Phú Sĩ nên được coi là Nữ thần Sakura. Nữ thần có sắc đẹp tuyệt vời và loài hoa sakura khi nở cũng mang vẻ đẹp tựa như sắc đẹp của bà.
Hoa anh đào còn là biểu tượng của hòa bình. Khi nước Nhật tặng hoa anh đào cho các nước khác trên thế giới là họ bày tỏ thiện chí đẹp đẽ của mình với bạn bè.
Nếu bạn muốn tận mắt chứng kiến vẻ đẹp hoa anh đào tại đất nước Mặt trời mọc thì hãy nên có kế hoạch sắp xếp ngay từ bây giờ.  Tiết lộ cho bạn 1 số nơi tuyệt vời để ngắm hoa: Công viên Shinjuku Gyoen, Công viên Ueno Onshi, Đền Asakusa Kannon, Con phố Nakano, Công viên Inokashira Onshi…
Chắc chắn rằng bạn sẽ cảm thấy rất thú vị!

Mùa hạ - Chào đón nữ hoàng muôn hoa
Khi những bông hoa đỗ quyên, tử đằng, diên vĩ và vô vàn các loài hoa dại nhường chỗ cho những cơn mưa tháng sáu thì sứ giả của mùa hạ dần lộ diện.Sau cơn mưa ướt át là những ngày nắng ấm, loài hoa mẫu đơn kiêu kì rực rỡ khoe sắc dưới nắng mai. Bông hoa quốc sắc thiên hương này từng rất được ưu ái qua nhiều triều đại, với mệnh danh "Chúa của muôn hoa” và được ca tụng trong văn thơ, nhạc và tranh vẽ. Loài hoa này được nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ.... chọn làm biểu tượng.

Mùa Thu – Rừng cây lá đỏ
Biểu tượng của mùa thu là cây phong. Người Nhật cũng có lễ hội ngắm cây phong mùa thu như lễ hội hoa anh đào vậy. Những cây phong với các sắc vàng, cam và đỏ rực làm sáng cả trời Nhật Bản. Tại Nara, gần đền Kasuga, dưới tán cây phong, cả ngàn con nai lang thang tạo nên cảnh trí lãng mạn tuyệt vời làm tốn không ít bút mực của các bậc văn nhân thi sĩ.
Mùa thu còn được điểm tô bằng “Gương mặt sớm mai”- hoa Asagô. Loài hoa với vẻ đẹp bình dị nhưng không kém phần rực rỡ cũng được người Nhật yêu thích. Tuy chỉ là loài hoa dại nhưng người Nhật rất quý trọng, nhà thơ Chiyô vào buổi sáng sớm nhìn hoa rơi trên mặt nước không nỡ đành đánh động cánh hoa.
“A! Hoa Asago
Chiếc gầu vương hoa bên giếng
Đành xin nước nhà bên”
(Nhà thơ Chiyô)

Mùa đông – Vẻ đẹp băng giá
Mùa đông bắt đầu vào tháng 12. Tuyết bắt đầu rơi, khắp nơi toàn một màu nâu xám.
Đỉnh Fuji bảng lảng trong sương tuyết “buông xuống từ trời như một chiếc quạt trắng muốt” (Thi sĩ thời Tôkugawa) chính là địa danh không thể không nhắc đến, bởi lẽ vẻ đẹp hầu như hoàn hảo của nó, đặc biệt là vào mùa đông, khi nửa phần trên của núi phủ tuyết trắng. Là ngọn núi cao nhất ở Nhật Bản với hình chóp bốn cạnh rất đều đặn, hoàn chỉnh và điển hình, cao 3.776 m, diện tích 90,76 km2, đỉnh Phú Sĩ làm hút hồn du khách bởi cảnh đẹp suốt bốn mùa trong năm, là nguồn thi hứng cho nhiều thế hệ con người.
Chuyện xưa kể rằng, ngày xưa có một ông lão đi vào rừng sâu chặt tre. Ông chặt đến một đoạn tre có màu vàng óng và thấy bên trong có một bé gái mình dài ba tấc. Ông lão đem đứa bé về nhà nuôi. Năm tháng trôi qua, bé gái lớn dần và trở thành một cô gái xinh đẹp kiều diễm. Nhiều chàng trai đem lòng thương yêu và cầu hôn nhưng cô gái đều từ chối. Việc này đến tai vua, vua cũng muốn chiếm cô gái xinh đẹp này nhưng không được toại nguyện. Cô gái ấy vốn là một tiên nữ trên cung trăng. Nàng mắc tội nên bị đày xuống trần gian chịu tội. Mãn hạn rồi nàng sẽ được về trời. Để trả ơn nuôi dưỡng của ông lão, trước khi giã từ ông để bay về trời, nàng gửi lại biếu ông một bọc thuốc “trường sinh bất tử”. Còn vua nổi trận lôi đình vì không lấy được nàng. Vua cho người đến cướp lấy bọc thuốc ấy, đặt lên một đỉnh núi cao gần nhất trời đất rồi đốt. Đá trên đỉnh núi bị đốt nóng biến thành màu đỏ rực như lửa.  (Chuyện dân gian Nhật Bản “Vật biết nói trong ống tre”).
Quả núi ấy là núi Phú Sĩ.
Tại đây, mùa xuân hoa lá xanh tươi, mùa hè nước chảy róc rách chim muông hót ca, mùa thu lá đỏ phủ trùm núi đồi, mùa đông băng tuyết trắng xóa.
Đến Nhật ai cũng muốn 1 lần được leo lên núi Phú Sĩ. Dù rằng đường lên núi với bao khó khăn, thời tiết, giông gió thất thường nhưng “Không lên đỉnh núi không phải là hào kiệt”.
Đến Nhật, du khách lạc vào xứ huyền ảo bởi những nét văn hóa độc đáo nơi đây. Tất cả đều chỉnh chu, đẹp đẽ. Nét văn hóa truyền thống ấy đem lại cho du khách nhiều ấn tượng sâu sắc khó quên.
Nhật Bản - Xứ mộng diễm kiều.


Công Ty Hiền Quang chuyên Du Học Nhật Bản

Tính cách người Nhật như thế nào?

Bà Ruth Benedict, một chuyên viên Nhân Chủng Học ở Đại Học Columbia đã biên khảo về tính cách người Nhật vào thập niên 40 để làm nền tảng cho chính sách đối ứng của Hoa Kỳ. Bà đã viết nhiều bản tường trình và đúc kết thành tác phẩm "The Chrysanthemun And The Sword" (Kiku To Kitana = Hoa Cúc Và Thanh Kiếm). Theo bà: "Người Nhật vừa hung bạo vừa hiền hòa, vừa nghiêm khắc vừa thơ mộng, vừa cứng ngắc vừa nhu nhuyễn, vừa trung thành vừa phản trắc, vừa can đảm vừa hèn nhát, vừa bảo thủ vừa cấp tiến... và chịu ảnh hưởng cùng lúc của Thần Đạo và tam giáo Nho, Phật, Lão...".

Những điều ấy thoáng nghe có vẻ chung chung, như có gì đó cũng giống người Việt hay các dân tộc khác, nhưng để ý kỹ, khi viết như thế, bà đã nêu bật được tính tích cực, đôi khi dẫn đến cực đoan ở cả hai thái cực của người Nhật. Như người Nhật trước và sau Thế Chiến Thứ 2 đi từ tàn bạo đến hòa bình, ngày xưa họ sẵn sàng chết thì ngày nay họ bảo vệ mạng sống bằng mọi giá, thể hiện qua chính sách của chính phủ cũng như từng người dân. Họ hiền tới độ đi ra nước ngoài thường bị những người không đứng đắn trấn lột, ăn hiếp. Có khi tôi liên tưởng đến hình ảnh những chú gà "nuôi giam", những con thỏ "nhà", dù được thả ra thì lúc nào cũng chậm chạp, không quen đối phó với các bất trắc bên ngoài.

Họ có tinh thần thực dụng và mạo hiểm rất cao, đã tự đi du học và khéo léo đãi lọc văn minh, văn hóa Trung Hoa, mà không du nhập từ chương và khoa cử. Khi thấy những nền văn minh văn hóa rực rỡ ở Âu-Mỹ, họ cũng đã tìm tới học hỏi, làm giàu thêm cái vốn đã rất phong phú của họ, thể hiện song hành tính bảo thủ và cấp tiến. Tất nhiên khi trào lưu Âu-Mỹ tràn tới đất Phù Tang, thì ít nhiều họ cũng mất đi phần nào bản sắc riêng.

Tinh thần kỷ luật đi đối với giáo dục:

Người Nhật nổi tiếng là có kỷ luật, cho dù sự kỷ luật đó bắt nguồn từ hoàn cảnh sinh sống khó khăn, từ việc nghĩ tới lợi ích chung hay từ văn hóa v.v... đã trở thành như tự giác, nhưng không phải cứ thế thì 100% con người trong xã hội này sẽ trở thành kỷ luật. Mà những người làm luật, những đoàn thể... đều phải suy tính, ghi ra rất chi tiếc các quy luật và phổ biến rộng rãi để mọi người tuân theo.

Những nơi sinh hoạt công cộng luôn thấy đầy những bảng hướng dẫn, thông báọ Cứ nhìn mặt đường của Nhật thì rõ, đâu đâu cũng trắng xóa các lằn kẻ phân luồng xe chạỵ Ở những nơi đông đảo hay dễ gây tai nạn, mặt đường còn được sơn màu cam hay đỏ, sơn tráng loại đá răm... để xe chạy không bị trượt. Ngoài ra còn lót những tấm nhựa chỉ đường và loa phát nhạc báo cho người mù ở một số chỗ băng ngang đường. Tiền giấy cũng có dấu hiệu nổi đặc biệt, ở ga xe điện thì dán bảng ghi bằng chữ nổi dành cho người mù để có thể tự mua vé... Quanh các trường Tiểu Học thì thường có người cầm cờ hướng dẫn các em nhỏ qua đường.

Người Nhật nổi tiếng là dặn dò chi tiết nhất so với các dân tộc khác. Xe điện lúc nào cũng thông báo mở cửa bên nào, xin lưu ý đừng để quên hành lý, khi bước ra coi chừng khoảng cách giữa toa xe và thềm ga...

Tóm lại là sự tự giác chung vẫn luôn luôn cần sự hướng dẫn, giáo dục cụ thể để đáp ứng với hoàn cảnh và sự thay đổi của xã hội theo với thời đại.

Lễ nghĩa – Lịch sự:

Ai cũng thấy là người Nhật rất lễ nghĩa, chào nhau không phải một lần mà đôi khi năm lần bảy lượt. Ăn mặc lịch sự, nói năng nhỏ nhẹ, không phải lúc nào cũng to tiếng như chửi nhau như giữa lính Nhật thời Thế Chiến Thứ 2 với nhau hay với người bị họ thống trị... Trừ một số giới trẻ ăn mặc lố lăng, người đi làm đều ăn mặc lịch sự, nhìn ngoài đường không thể nào đoán được họ làm việc gì, áo quần luôn sạch sẽ, khi vào nơi làm mới thay quần áo làm việc lao động, nên đôi khi chỉ là nhân viên làm vệ sinh, đổ rác.
Phái nam Nhật hầu như không có chuyện thấy người đẹp lạ ngoài đường mà hút gió, ngỏ lời tán tỉnh, chọc ghẹo... Hầu như không có chuyện không quen mà lẽo đẽo theo nàng về tới nhà rồi trồng "cây si" luôn. Nhưng bạn với nhau thì giữa nam nữ lại có vẻ gần gũi, tự nhiên hơn người Việt. Đi nhậu chung mà nếu một bên say thì bên kia sẵn sàng dìu đi. Vì vậy, đôi khi người Nhật kết hôn trễ, có tới khoảng 50% phải nhờ người giới thiệu, gọi là "mai". Phụ nữ được khen đẹp thì chắc là ai cũng thích, nhưng phụ nữ Nhật thì mắc cỡ, tỏ thái độ khiêm tốn và thường nói: "Cám ơn", còn phụ nữ Việt "đáo để" hơn, thường trả lời: "Sạo", "Đừng có nịnh"... còn người lạ mà khen, có khi bị lườm nguýt cho một phát rồi nói: "Vô duyên!".

Vào ngày lễ Tình Nhân, phụ nữ Nhật thường tặng chocolate cho tất cả đồng nghiệp phái nam trong văn phòng.
Nhật Bản có Ngày Tình Yêu (Valentine), là ngày 14 tháng 2. Theo truyền thống Á Đông, trong truyền thuyết Nhật cũng từng nói tới chuyện có vị thần phái nữ tỏ tình với vị thần phái nam trước, nhưng cho là chuyện không nên, nên phái nữ lúc nào cũng ở thế bị động, khó kiếm chồng. Vì vậy, Ngày Tình Yêu là ngày phái nữ tặng quà cho phái nam, thường là chocolate để phái nữ có cơ hội mạnh dạn lên tiếng. Còn khi hai bên quen nhau thân thì phái nam không những tặng hoa hồng còn tặng quà và phái nữ cũng tặng quà ngược lại nhưng không tặng hoa. Ở Việt Nam cũng mới có ngày này, nhưng phái nam thường tặng phái nữ hoa hồng để tỏ ý thích.

Ngày Trắng, là ngày 14 tháng 3, phái nam tặng quà đáp lễ cho phái nữ, thường là kẹo. Ở Việt Nam không có ngày này.

Phái nữ Nhật Bản dường như không bỏ lỡ cơ hội "vùng lên" để kiếm chồng vào những ngày này, nên họ chờ ngày 14/02 để "mượn quà thay lời" và mong ngày 14/03 để xem phái nam đáp ứng như thế nào. Phong trào mới chỉ vài chục năm nay mà đã như một truyền thống lâu đời ăn sâu trong tâm trí và được hưởng ứng nồng nhiệt. Dịp này phái nữ ào ào đi mua chocolate như bão táp với sự tiếp tay kiếm lời rất đắc lực của các cửa tiệm thương mại.

Họ rất điềm tĩnh trong ứng xử, ít nổi nóng, nhưng khi nổi nóng thì cũng khó giữ bình tĩnh, mà cũng chẳng mấy khi họ cản nhau. Tôi đã chứng kiến sinh hoạt các câu lạc bộ thể thao ở Đại Học. Đàn anh thường đì đàn em với một thứ kỷ luật huấn nhục, không phải chỉ trong một tuần mà gần như suốt thời trẻ, có khi kéo dài cả đời nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Người Việt dường như rất khéo léo trong việc la mắng, tuy đôi khi nói bóng gió, nhưng khi la mắng thì nói thẳng vào chỗ sai quấy (tất nhiên đó là khi chủ quan) nhiều hay ít tùy theo lỗi nặng hay nhẹ... Còn với người Nhật, khi rầy la, nhiều khi không nói thẳng và cụ thể nên người bị la không hiểu người la muốn gì mà la rất nặng và rất dai, bất chấp thể diện người đối diện. Có khi mới sáng ra, ông chủ vào hãng là la toáng lên, mà có khi la chung chung kiểu nói: "Mọi người làm cái gì vậy", "Đồ cà chớn!", "Không ai chịu làm việc!"... La kiểu này thì không ai biết là ông ta nói gì và muốn gì, nhân viên thì cứ im lặng nghe rồi giải tán, vẫn làm việc như thường, nếu ấm ức quá thì hết giờ làm việc rủ nhau ghé quán nhậu làm vài ly rượu cho nguôi.

Trong công sở, tư sở và các hãng xưởng cũng vậỵ Cấp trên la mắng cấp dưới rất nặng, bất chấp thể diện người bị la mắng, làm cho nhiều khi người ngoài thấy rõ sự khúm núm, sợ sệt của cấp dưới. Và trong nhiều trường hợp cấp dưới thi hành mệnh lệnh mà không cần suy nghĩ gì cả, như chỉ cốt làm vừa lòng cấp trên! Họ cũng rất trọng chủ nghĩa "bái kim" (quá trọng đồng tiền), nên sống có hai mặt, với nhân viên thì gắt gao, mà với khách thì cởi mở, ngọt ngào. Đó là cái giá mà người Nhật đã phải trả để xã hội ổn định và phát triển. Mỗi người phải chịu khép bớt phần đòi hỏi tự do của mình.


Công Ty Hiền Quang chuyên Du Học Nhật Bản

Học cách làm việc của người Nhật

Người Nhật có phong cách làm việc rất khác biệt so với các nước trên thế giới, đây là ảnh hưởng của văn hóa lâu đời mà người Nhật có được. Sau đây chúng tôi nói đến những phong cách làm việc của người Nhật mà các bạn muốn du học tại Nhật hay những ai đang làm tại các công ty của Nhật tại Việt Nam và cho tất cả mọi người Việt Nam chúng ta nên học phong cách làm việc này.

1/  Tôn trọng quyết định và ý kiến chung:

Các quyết định quan trọng thường được thảo luận và chỉ khi có sự nhất trí thì mới được đưa ra. Cũng vì mọi kết quả đều là nỗ lực của cả tập thể nên sẽ không phù hợp khi bạn ngợi khen một cá nhân cụ thể.
Người Nhật quan niệm thành công là nỗ lực của cả nhóm và không ai có thể tự thành công. Họ nhấn mạnh giá trị của việc mọi người làm việc cùng nhau. Họ ưu tiên một quy trình thảo luận mang tính hợp tác mà đôi khi có thể chậm một chút, nhưng cuối cùng, vẫn đảm bảo được rằng tất cả mọi người đều có tiếng nói chung. Người Nhật hiểu rằng việc đảm bảo mọi phần thưởng được chia đều giữa các thành viên sẽ không làm nảy sinh sự ghen tị, so đo.

2/  Cách nói giảm nói tránh:

Người Nhật luôn chủ động hạn chế những tình huống đối đầu. Họ không thích và không bao giờ nói “Không”. Mọi lời nói và phép tắc giao tiếp của họ được phối hợp nhằm tránh gây hiềm khích nơi người nghe.Thay vì đi thẳng vào vấn đề, người Nhật thường gợi ý nhẹ nhàng, nói bóng gió. Đôi lúc, họ nói một cách rõ ràng hơn nhưng rất cẩn trọng để không làm người khác bị phật ý hay tức giận.
Chúng ta học được sự tôn trọng và nhã nhặn không những đối với đối tác mà cả đồng nghiệp. Không gì tệ cho bằng khi chúng ta đối đá nhau hay tức giận đến “đỏ mặt tía tai” trong các cuộc họp. Tính tự chủ cao của người Nhật giúp cho họ luôn bình tĩnh và không áp đặt ý chí của bản thân lên người khác. Để đạt được khả năng này, bạn cần dành thời gian lắng nghe cẩn thận lời người khác nói và lời của chính mình. Nhờ đó bạn sẽ nhận ra những dấu hiệu không hay và điều chỉnh trước khi mọi chuyện trở nên tệ hại.

3/ Đúng giờ:

Người Nhật đặt nặng giá trị của “kao”, tức là thể diện. Khái niệm “thể diện” bao gồm niềm tự hào cá nhân, danh tiếng và địa vị xã hội. Bất kỳ một hành động nào có thể khiến cho họ bị mất mặt sẽ bị coi là độc hại trong môi trường công sở, và sẽ bị kịch liệt phản đối. Để giữ được thể diện, bạn phải học cách thể hiện lòng tôn trọng cao nhất. Cách đơn giản nhất là đến đúng giờ đối với bất kỳ cuộc hẹn nào. Người Nhật thường đến sớm một chút.
Đúng giờ là một thói quen tốt để chúng ta được người khác tôn trọng. Không có gì bất lịch sự bằng việc để cho người khác chờ đợi bạn. Vì thế, bạn hãy sắp xếp lịch trình cho mình một cách hợp lý.

4/ Duy trì liên lạc:

Ở Nhật Bản, gọi điện và hẹn gặp trực tiếp được đánh giá cao hơn rất nhiều so với gửi thư, fax hay email. Dành thời gian để tiếp xúc trực tiếp với đối tác được xem là dấu hiệu của sự tôn trọng họ. Người Nhật rất coi trọng các mối quan hệ làm ăn lâu dài, vì vậy khi làm việc ở đây, bạn cần biết cách duy trì liên lạc qua lại, gián tiếp hoặc trực tiếp.
Người Nhật đưa việc làm quen và tạo dựng mối quan hệ lên một tầm mới bởi họ hiểu được giá trị của chúng. Nhiều người trong chúng ta cảm thấy khó chịu hoặc tiếc thời gian khi giữ liên lạc với người khác. Chúng ta hạn chế việc trao đổi thư từ nhưng điều đó thể hiện sự thiếu bền chặt của các mối quan hệ. Hãy noi gương người Nhật bằng cách quan tâm hơn tới việc luôn “giữ ấm” cho mọi mối quan hệ công việc của bạn.


Công Ty Hiền Quang chuyên Du Học Nhật Bản

ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÝ
   - Những người đang đi học hay đi làm có bằng THPT trở lên    
   - Những người đã xin visa tại các công ty du học khác bị rớt    
- Những người đã đi tu nghiệp về đăng ký đi du học trở lại   

Liên hệ với chúng tôi để biết thêm chi tiết

du hoc nhat ban