Với người Nhật “nhìn” hoa anh đào, họ “ngắm nghía” từ các chiều trong không gian, theo dõi bước đi của hoa trong từng độ nở, từ lúc chớm đến lúc tàn và có tên gọi cho từng giai đoạn(như nở một phần ba, một nửa, rồi mãn khai) theo từng bước chân của Hoa di chuyển từ miền Nam Okinawa xa xôi từ đầu tháng 3 đến tận miền bắc, hải đảo(Hokkaido)vào tháng 5, mỗi nơi hoa dừng chân-- từ 7-10 ngày trong thời gian hoa nở rộ người Nhật gọi là Sakura Zensen-- là những chuỗi ngày lễ hội(Matsuri) tưng bừng và rộn rã. Những cô thiếu nữ xúng xính trong chiếc Kimono rực rỡ trên đôi guốc vải mềm, dịu dàng và lả lướt dưới rặng hoa đào trắng muốt làm biết bao du khách “ngẩn ngơ”. Nói sao cho hết cái đẹp “tình tứ” ngày xuân ở đất nước Phù tang trong những ngày này. Một nét văn hóa mà bản sắc của người Nhật bản ghi đậm nét trong con mắt khách du lịch nước ngoài, là niềm tự hào, biểu tượng của đất nước khi họ nói đến.
Điều lạ là chúng ta không thấy người Nhật nào “Hái” hoa anh đào, hoặc tước đi một cành cây hay nhánh hoa để “Du xuân” hay mang về trưng bày ở nhà nhưng người Việt Nam có thói quen hái cành mai hay cành đào đầu xuân để trang trí, thêm sắc màu trong những ngày đón tết cổ truyền. Đây là điểm rất khác giữa hai nước chăng? Cảnh cây hồng đầy trái chín trĩu nặng giữa sân vườn nhà ở Tokyo rất dễ thấy, ngắm nhìn để biết mùa thu lại về…cũng như cành đào để “thấy” xuân sang vì vậy chủ vườn-- một không gian nhỏ ở đô thị-- ít khi hái quả hồng màu “vàng rượm”ấy để đãi khách mà thường gọt những quả mua từ siêu thị vì đối với họ, còn gì đẹp bằng và quí vô cùng những trái hồng trên cây của vùng đất hiếm hoi, nét đẹp thiên nhiên mà họ cố giữ lại để “níu” chân “đô thị hóa” khô khan và cộc cằn. Yêu thiên nhiên trong cuộc sống bằng cách này cũng rất tương xứng với nghệ thuật cắm hoa của người Nhật bản. Họ cắm hoa rất chăm chút, đan xen giữa cành, lá và hoa, giữa màu sắc sáng tối, âm dương, giữa động và tĩnh…một cách hài hòa, ít nhiều phản phất chất “thiền” trong sáng tạo, nâng lên thành một loại “Đạo”(con đường đi tới vô ưu, tĩnh tại) như “hoa đạo”(Ikebana) trong nghệ thuật cắm hoa và thưởng ngoạn.
Dù là hoa ở trên cây hay hoa được chăm chút cắm vào lọ, người Nhật vẫn gìn giữ những nét văn hóa độc đáo, thanh khiết và tận hưởng đến mức tối đa quà ban tặng của tạo hóa. Cây trái trên cành để “ngắm” có khác gì cây trái để trên bàn để “ăn” nhưng khi còn trên cành thì đó là một bức tranh sinh động còn cây trái trên chiếc đĩa đặt ở bàn kia là tranh tĩnh vật, nếu phải chọn thì có lẽ nhiều người sẽ đứng về phía bức tranh mang hơi thở của thiên nhiên.
Có lẽ vậy mà nhiều người Việt nam trong mấy ngày vừa qua đã thất vọng, đúng hơn là buồn nhiều khi thấy cảnh “ nam thanh nữ tú” Hà thành đi hội hoa anh đào tranh nhau “bẻ” nhánh, “hái” tơi bời, để lại một khung cảnh tiêu điều, trơ trọi đến thảm hại! Văn hóa “chưng” hoa ngày Tết ở nước ta bị lẫn lộn với văn hóa “ngắm” hoa ngày xuân của Nhật Bản, đánh đồng một cách hỗn tạp đến đau lòng.
Mong sao trong lần lễ hội hoa anh đào kế tiếp, những cành hoa quí hiếm sẽ ở lại với mọi người, được chăm chút và trầm trồ như từng ao ước. Hi vọng lễ hội này sẽ trở thành một nét văn hóa mới ở thủ đô với hàng cây hoa anh đào rực rỡ trong nắng xuân ấm áp hằng năm .
- 21/06/2012 03:55 - Tiếng Nhật vẫn đang biến đổi
- 21/06/2012 03:41 - Truyền thuyết Hoa Anh Đào
- 07/06/2012 11:44 - Luyện trí nhớ học tiếng Nhật
- 07/06/2012 10:35 - 6 cách học tiếng Nhật
- 06/06/2012 14:20 - Mochi - Bánh truyền thống tuyệt vời của Nhật
- 05/06/2012 03:56 - Cách tắm của người Nhật
- 05/06/2012 02:38 - Ẩm thực ở Nhật Bản
- 04/06/2012 14:25 - Học cách đúng giờ của Nhật
- 04/06/2012 07:34 - Có nên học tiếng tại Nhật?
- 03/06/2012 14:41 - Nhật Bản khuyến khích học sinh vào Đại học muộn