Du Học Nhật Bản Tìm hiểu Nhật bản Lịch sử Nhật Bản thời kỳ Edo

Lịch sử Nhật Bản thời kỳ Edo

Thời kỳ Edo ("Tokugawa", 1603–1868)
Thời kỳ Edo ("Tokugawa", 1603–1868)
Shōgun đầu tiên của nhà Tokugawa, Tokugawa Ieyasu.
Thời kỳ Edo (江戸時代, tức là thời kỳ Giang Hộ), còn gọi là thời kỳ Tokugawa, kéo dài từ năm 1603 đến năm 1868.
Năm 1600, Tokugawa Ieyasu đánh bại liên quân bốn mươi Daimyo miền Tây tại Sekigahara và nắm chính quyền. Tokugawa Ieyasu được bổ nhiệm làm shōgun (cả Oda Nobugana lẫn Toyotomi Hideyoshi đều không cố gắng trở thành mà chỉ duy trì quyền lực qua các vị trí chính thức tại triều đình). Các daimyo chống đối gia đình Tokugawa đều bị chuyển tới các thái ấp ở những vùng xa trung tâm và bị ép phải dùng phần lớn của cải của họ để làm đường và các dự án khác, bị buộc phải luân phiên di chuyển hàng năm giữa Edo và thái ấp của mình, để lại gia đình làm con tin lâu dài ở Edo. Các thái ấp được những người tùy tùng của Shogun cai quản, tuy nhiên quyền lực ở đây rất lớn.
Thành lập bộ luật hợp pháp cho các gia đình quý tộc, tạo điều kiện cho chế độ Mạc phủ kiểm soát triều đình và Thiên hoàng. Hệ thống 4 đẳng cấp sĩ, nông, công, thương (shinokosho) được thừa nhận, cùng với việc hôn nhân giới hạn trong những người ở cùng một đẳng cấp. Ở từng đẳng cấp, mối quan hệ chủ-tớ phong kiến được thiết lập. Chế độ Mạc phủ Tokugawa được cấu thành vững chắc từ hệ thống này và được biết tới dưới tên gọi Bakuhan (Mạc phiên, kết hợp shogun và chủ thái ấp). Buôn bán và đạo Ki-tô một lần nữa lại phát triển thịnh vượng trong thời gian ngắn, tuy nhiên, cũng như Hideyoshi, Mạc phủ Tokugawa ngày càng e ngại đạo Ki-tô và bắt đầu những biện pháp đàn áp với mức độ ngày càng tăng. Tới thời kỳ của Mạc phủ Tokugawa thì đạo Ki-tô hoàn toàn bị cấm tại Nhật Bản. Những tín đồ Ki-tô giáo người Nhật Bản bị hành hình. Với chính sách Sakoku (Tỏa Quốc), các thương gia, trừ người Hà Lan và người Trung Hoa, đều bị cấm tới Nhật Bản, và người Hà Lan bị hạn chế chỉ cho phép đến một hòn đảo nhỏ ở cảng Nagasaki.
Cùng với việc thống nhất đất nước, quyền lực của chế độ Mạc phủ được củng cố, việc cai trị tập trung, công nghiệp và nghề thủ công phát triển mạnh mẽ, giao thông được cải thiện, đem lại sự thịnh vượng cho buôn bán và thương mại nội địa. Các thị trấn mọc lên ngày càng nhiều và rất hưng thịnh, đặc biệt là các đô thị quanh cung điện. Giới thương gia trở nên giàu có, và từ tầng lớp này xuất hiện những hình thức nghệ thuật mới, bao gồm thơ haiku mà Matsuo Basho là người khai sáng, tiểu thuyết bình dân của Ihara Saikaku, kịch của Chikamatsu Monzaemon, các bản tranh ukiyoe, kịch Kabuki được dàn dựng lần đầu tiên ở Kyoto vào đầu thời kỳ này, sau đó hạn chế chỉ dành cho diễn viên nam, bắt đầu được diễn ở Edo và Osaka vào cuối thế kỷ 17.
Hệ thống Mạc phiên không ngừng suy yếu do sự tập trung của cải vào tay giới thương gia. Chế độ Mạc phủ gặp phải những khó khăn tài chính, samurai và nông dân rơi vào cảnh nghèo khó. Đã có các nỗ lực nhằm cải cách chế độ Mạc phủ, nhưng do vẫn duy trì chính sách thả lỏng việc tư nhân kinh doanh nên tình trạng suy vong ngày càng nặng nề. Nạn đói kém và thảm hoạ thiên nhiên, cộng thêm siêu cao thuế nặng (đối với lúa gạo) mà chế độ Shogun và Daimyo bắt người dân gánh vác đã biến những người nông dân và các tầng lớp dân thường khác thành nghèo khổ. Trước tình cảnh đó, các cuộc khởi nghĩa của nông dân bùng nổ. Lĩnh vực văn hóa chứng kiến sự nở rộ cuối cùng của nền văn hoá Edo. Các truyện ngắn theo xu hướng phóng đãng, truyện tình lịch sử, nghệ thuật đóng kịch Kabuki, các loại tranh và bản in gỗ gồm nishiki-e (bản in tranh nhiều màu) được phát triển. Giáo dục được truyền bá vào tầng lớp thương gia và thậm chí cả những nông dân tại Terakoya (Tự tử ốc). Phát triển các trường Kokugaku (Quốc học), một xu hướng giáo dục thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa và trở lại các truyền thống quốc gia. Rangaku (Lan học) - việc nghiên cứu các tác phẩm khoa học khác nhau du nhập từ phương Tây qua các thương nhân Hà Lan như địa lý, y học, thiên văn, vật lý, hoá học cũng dần dần phát triển.
Bức tranh mô tả cảnh cống nộp của các Đại danh địa phương tại thành Edo.
Họa sĩ: Kyosai Kiyomitsu

Nghệ thuật và phát triển tri thức
Dưới thời này, Nhật Bản dần dần tiếp thu khoa học và công nghệ phương Tây (gọi là Lan học, hay "rangaku", “học vấn của người Hà Lan”) qua thông tin và những cu sách của thương nhân Hà Lan ở Dejima. Lĩnh vực học tập chính là địa lý, dược học, khoa học tự nhiên, thiên văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ, cơ học ví dụ như nghiên cứu về các hiện tượng điện, và khoa dược học, với ví dụ về sự phát triển của đồng hồ Nhật Bản, hay wadokei, chịu ảnh hưởng của kỹ thuật phương Tây.
Sự hưng thịnh của Tân Nho giáo là sự phát triển tri thức quan trọng dưới thời Tokugawa. Nho học vẫn hoạt động tích cực ở Nhật Bản nhờ các nhà sư, nhưng dưới thời Tokugawa, Nho giáo đã thoát ra khỏi sự kiểm soát của Phật giáo. Hệ tư tưởng này đã thu hút được sự chú ý về một cái nhìn thế tục về con người và xã hội. Chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa duy lý và viễn cảnh lịch sử của học thuyết Tân Nho giáo hấp dẫn giới quan lại. Cho đến giữa thế kỷ 17, Tân Nho giáo là hệ thống triết học hợp pháp thống trị nước Nhật và đóng góp lớn cho sự phát triển các hệ tư tưởng kokugaku (“Quốc học”).
Kaitai Shinsho, chuyên luận đầu tiên của Nhật Bản về giải phẫu học phương Tây, xuất bản năm 1774.
Các nghiên cứu sâu và ứng dụng rộng rãi của Tân Nho đóng góp lớn trong việc thay đổi trật tự chính trị xã hội từ các quy tắc phong kiến đến đẳng cấp và các quy tắc định hướng cho những nhóm lớn trong xã hội. Luật lệ của nhân dân và các nhà Nho dần được thay thế bằng luật pháp. Các luật mới được phát triển, và các thể chế hành chính mới ra đời. Luận thuyết về chính quyền mới và cái nhìn mới về xã hội nổi lên với một sự cai trị toàn diện của Mạc phủ. Mỗi người có một vị trí riêng trong xã hội và phải làm việc để hoàn thành nhiệm vụ của đời mình. Cai trị nhân dân bằng nhân đức của những người có trách nhiệm thống trị. Chính quyền có quyền lực tuyệt đối nhưng có trách nhiệm với lòng nhân. Mặc dù hệ thống đẳng cấp do ảnh hưởng của Tân Ngo, chúng không hề giống nhau. Trong khi binh lính và tăng lữ ở dưới cùng của hệ thống tầng lớp Trung Hoa, thì với Nhật Bản, thành viên của tầng lớp này được coi là giai cấp thống trị.
Thành viên của tầng lớp samurai tôn trọng triệt để truyền thống bushi (võ sỹ) với một sự quan tâm mới trong lịch sử Nhật Bản và đỉnh cao là tư tưởng của các nhà Nho đang nắm quyền, dẫn đến sự ra đời của khái niệm bushido (“võ sỹ đạo). Một lối sống khác—chōnindō—cũng ra đời. Chōnindō (lối sống của người thành thị) là nét văn hóa riêng biệt nổi lên ở các thành phố như Osaka, Kyoto, và Edo. Nó khuyến khích lòng khao khát đạt đến những chuẩn mực bushido—siêng năng, trung thực, trọng danh dự, trung thành và thanh đạm—trong khi pha trộn niềm tin của Thần đạo, Tân Nho và Phật giáo. Nghiên cứu về toán học, thiên văn học, bản đồ học, kỹ sư, và nghề y cũng được khuyến khích. Người ta nhấn mạnh đến tài hoa của người thợ, đặc biệt là trong nghệ thuật. Lần đầu tiên, người dân đô thị có được khả năng vật chất và tinh thần để theo đuổi những hình thức văn hóa đại chúng mới. Họ kiếm tìm thú vui, hay còn gọi ukiyo (“phù thế”), quan niệm về thế giới của thời trang, giải trí, và khám phá đẳng cấp mỹ học trong các vật dụng và hoạt động thường ngày, bao gồm tình dục (shunga, “xuân họa”). Những phụ nữ giải trí chuyên nghiệp (geisha), âm nhạc, kịch nghệ, Kabuki và bunraku (múa rối), thi ca, văn học, và nghệ thuật, ví dụ như những bản khắc gỗ tuyệt đẹp (còn gọi là ukiyo-e), là tất cả những mảng của bức tranh nghệ thuật đang nở hoa. Văn học huy hoàng với những ví dụ về tài năng kịch nghệ Chikamatsu Monzaemon (1653-1724) và nhà thơ, nhà văn tiểu luận, và du ký Matsuo Bashō (1644-94).

Sóng lừng ở Kanagawa (Thần Nại Xuyên Lang Lý) của Katsushika Hokusai (1760–1849).
Tranh in Ukiyo-e bắt đầu được sản xuất từ cuối thế kỷ 17, nhưng năm 1764 Harunobu sản xuất bản in nhiều màu đầu tiên. Thế hệ họa sỹ tranh in tiếp theo, gồm có Torii Kiyonaga và Utamaro, vẽ những bức tranh thanh nhã và đôi khi sâu sắc về các cô gái thanh lâu. Trong thế kỷ 19, nhân vật nổi bật nhất là Hiroshige, người tạo ra những bản in phong cảnh lãng mạn và có gì đó ủy mị. Hình dạng và góc nhìn lạ lùng về phong cảnh qua cái nhìn của Hiroshige với các tác phẩm của Kiyonaga và Utamaro, nhấn mạnh các mặt phẳng và phác thảo bằng những đường kẻ mạnh mẽ, sau này có ảnh hưởng sâu sắc đến các họa sỹ phương Tây như Edgar Degas và Vincent van Gogh (xem Japonism).
Phật giáo và Thần đạo đều quan trọng dưới thời Edo. Phật giáo, kết hợp với Tân Nho giáo, đưa ra tiêu chuẩn cho lối ứng xử trong xã hội. Mặc dù không có quyền lực chính trị hùng mạnh nhưng trong quá khứ, Phật giáo vẫn được tầng lớp trên tin theo. Lệnh cấm Công giáo giúp Phật giáo hưởng lợi vì Mạc phủ yêu cầu tất cả mọi người đăng ký tại các chùa. Sự phân chia cứng nhắc của xã hội thời Tokugawa thành các phiên, làng, phường và hộ gia đình đã giúp tái lập lại sự gắn bó với Thần đạo ở các địa phương. Thần đạo đưa ra chỗ dựa tinh thần cho những mệnh lệnh chính tị và là sợi dây buộc chặt cá nhân với cộng đồng. Thần đạo cũng giúp bảo tồn văn hóa dân tộc.
Thần đạo cuối cùng được cho là sự xáp nhập của chủ nghĩa duy lý Tân nho và chủ nghĩa duy vật. Phong trào kokugaku nổi lên từ sự tương tác của hai hệ thống niềm tin này. Kokugaku đóng góp vào chủ nghĩa dân tộc coi Thiên hoàng là trung tâm ở Nhật Bản hiện đại và sự phục sinh của Thần đạo với vai trò quốc giáo trong hai thế kỷ 18 và 19. Kojiki, Nihongi, và Man'yōshū đều được làm mới theo tinh thần Nhật Bản. Một số người theo chủ nghĩa thuần túy trong phong trào kokugaku, như Motoori Norinaga, thậm chí còn chỉ trích ảnh hưởng Nho giáo và Phật giáo và thực tế là các ảnh hưởng từ bên ngoài vì đã làm ô uế lối sống cổ xưa của nước Nhật. Nhật Bản là đất nước của kami và như vậy, có một định mệnh đặc biệt.
Tỏa Quốc
Thuật ngữ Tỏa Quốc có nguồn gốc từ tác phẩm Tỏa Quốc Luận (鎖国論) (Sakoru-ron) của Shitsuki Tadao (志筑 忠雄) (“Chí Trúc Trung Hùng”) năm 1801. Shitsuki nghĩ ra từ này khi dịch tác phẩm thế kỷ 17 của nhà du hành người Đức Engelbert Kaempfer về Nhật Bản. Thuật ngữ này thời đó thường được dùng nhất để chỉ chính sách kaikin (海禁), hay "hải cấm" , theo đó không người nước ngoài nào được vào Nhật Bản hay người Nhật được rời khỏi đất nước, người vi phạm phải chịu án tử hình, Chính sách được Mạc phủ Tokugawa ban bố dưới thời Tokugawa Iemitsu qua một số chiếu chỉ và chính sách từ năm 1633 đến năm 1639 và vẫn còn hiệu lực cho đến năm 1853 khi Phó đề đốc Hải quân Hoa Kỳ Matthew Perry đến và mở cửa nước Nhật. Cho đến cuộc Minh Trị Duy Tân (1868), việc rời khỏi nước Nhật vẫn là bất hợp pháp.

Dejima, thương điếm duy nhất của người Châu Âu tại Nhật Bản sau khi áp dụng chính sách Sakoku ở Nagasaki
Nhật Bản không hề hoàn toàn biệt lập dưới chính sách Tỏa Quốc. Hơn nữa, đây là một hệ thống với các chính sách nghiêm ngặt được Mạc phủ và một số phiên áp đặt cho thương mại và ngoại giao (phiên). Chính sách nói rõ rằng thế lực phương Tây duy nhất được phép là nhà máy Hà Lan (thương điếm) ở Dejima ở Nagasaki. Buôn bán với Trung Quốc cũng được thực hiện ở Nagasaki. Thêm vào đó, thương mại với nhà Triều Tiên thông qua phiên Đối Mã (ngày này là một phần của tỉnh Nagasaki), với người Ainu qua phiên Matsumae ở Hokkaidō, và với Vương quốc Ryūkyū qua phiên bang Satsuma (ngày nay là tỉnh Kagoshima). Ngoài việc giao thương trực tiếp ở các tỉnh vùng biên, tất các các nước này điều thường xuyên gửi các sứ đoàn mang cống phẩm đến trung tâm của Mạc phủ tại Edo. Khi các sứ thần đi dọc Nhật Bản, thần dân Nhật có được chút ý niệm về văn hóa nước ngoài.
Nhật Bản lúc này buôn bán với 5 thực thể khác nhau, thông qua 4 “cửa khẩu”. Qua phiên Matsumae ở Hokkaido (sau này gọi là Ezo), họ buôn bán với người Ainu. Qua gia tộc đại danh Sō ở Đối Mã, họ có quan hệ với nhà Triều Tiên. Công ty Đông Ấn Hà Lan được cho phép buôn bán ở Nagasaki, cùng với các thương nhân Trung Quốc, những người cũng buôn bán với Vương quốc Ryukyu, một vương triều bán độc lập trong gần hết thời kỳ Edo, và bị gia tộc Shimazu của phiên bang Satsuma kiểm soát. Tashiro Kazui đã chỉ ra rằng buôn bán giữa Nhật Bản và các thực thể này được chia làm hai loại: Nhóm A gồm Trung Quốc và Nhật Bản, "quan hệ với họ dưới sự giám sát trực tiếp của Mạc phủ ở Nagasaki" và nhóm B, đại diện là Vương quốc Triều Tiên và Vương quốc Ryukyu, "họ buôn bán với phiên Đối Mã (gia tộc Sō) và Satsuma (gia tộc Shimazu)."
Hai nhóm khác nhau này phản ánh về cơ bản kiểu buôn bán nhập khẩu và xuất khẩu. Xuất khẩu từ Nhật Bản đến Triều Tiên và Vương quốc Ryukyu, cuối cùng được mang từ những vùng đất này đến Trung Quốc. Ở quần đảo Ryukyu và Triều Tiên, các gia tộc chịu trách nhiệm buôn bán với Triều Tiên và Vương quốc Ryukyu xây dựng các thương điếm ở bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản—nơi thương mại thực sự diễn ra. Vì cần người Nhật đi đến các thương điếm, việc buôn bán này giống như xuất khẩu, với người Nhật có quan hệ thường xuyên với thương nhân nước ngoài ở vùng đất có đặc quyền về cơ bản. Buôn bán với thương nhân Trung Quốc và Hà Lan ở Nagasaki diễn ra trên một hòn đảo gọi là Dejima, tách biệt khỏi thành phố bởi một eo biển nhỏ; người nước ngoài không thể vào nước Nhật từ Dejima, và người Nhật cũng không vào được Dejima mà không có quyền hoặc giấy phép đặc biệt.
Buôn bán thực ra phát đạt trong thời kỳ này, và mặc dù ngoại giao và thương mại bị giới hạn ở một số cảng nào đó, đất nước không hề đóng cửa. Thực tế là, khi Mạc phủ trục xuất người Bồ Đào Nha, họ đồng thời thương thảo với các đại diện người Hà Lan và Triều Tiên để đảm bảo kim ngạch thương mại nói chung không bị ảnh hưởng. Do đó, giới học giả vài thập kỷ gần đây ngày càng thường gọi chính sách đối ngoại thời kỳ này không phải Tỏa Quốc, với ý chỉ đất nước hoàn toàn biệt lập, tách biệt và đóng cửa, mà là thuật ngữ kaikin (海禁, "hải cấm") được sử dụng trong các thư tịch thời kỳ đó, và xuất phát từ định nghĩa Trung Quốc tương đương hai jin.
Kết thúc bế quan tỏa cảng

Phó đề đốc Perry cùng các sỹ quan và binh lính lên bờ để gặp sứ giả của Thiên hoàng tại Yokohama 14 tháng 7 năm 1853.
Chính sách Sakoku đã kéo dài hơn 200 năm cho đến ngày 8 tháng 7 năm 1853, khi Phó đề đốc Matthew Perry của Hải quân Hoa Kỳ cùng với 4 chiến hạm — Mississippi, Plymouth, Saratoga, và Susquehanna — vào vịnh Edo, Tokyo cũ, và phô diễn sức mạnh của các khẩu pháo hạm. Perry lịch sự đề nghị Nhật Bản mở cửa thương mại với phương Tây. Từ đây, những con tàu này được gọi là kurofune, Hắc thuyền.
Năm sau, tại Hiệp ước Kanagawa ngày 31 tháng 3 năm 1854, Perry quay lại với 7 chiến hạm và đề nghị Shōgun ký "Hiệp định Hòa bình và Hữu nghị," thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ. Trong vòng 5 năm, Nhật Bản đã kí các hiệp định tương tự với các quốc gia phương Tây khác. Hiệp định Harris được ký với Hoa Kỳ ngày 29 tháng 7 năm 1858. Giới trí thức Nhật Bản coi các hiệp định này là bất bình đẳng, do Nhật Bản đã bị ép buộc bằng sự đe dọa chiến tranh, và là dấu hiệu phương Tây muốn kéo Nhật Bản và chủ nghĩa đế quốc đang nắm lấy phần còn lại của lục địa châu Á. Bên các phương tiện khác, họ đã cho các quốc gia phương Tây quyền kiểm soát rõ rệt đối với thuế nhập khẩu và đặc quyền ngoại giao (extraterritoriality) đối với tất cả các công dân của họ tới Nhật Bản. Đây sẽ là một cái gai trong quan hệ giữa Nhật Bản với phương Tây cho tới khi thế kỉ mới bắt đầu.

Theo Wikipedia Nhật Bản

ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÝ
   - Những người đang đi học hay đi làm có bằng THPT trở lên    
   - Những người đã xin visa tại các công ty du học khác bị rớt    
- Những người đã đi tu nghiệp về đăng ký đi du học trở lại   

Liên hệ với chúng tôi để biết thêm chi tiết

du hoc nhat ban